1
Bạn cần hỗ trợ?

Tin Nhật Bản

TIN MỚI NHẤT

Những biểu tượng Nhật Bản được biết đến nhiều nhất

09:25 25/02/2019

Nhật Bản là một đất nước có nền văn hoá đặc sắc, có lịch sử phát triển lâu đời. Thế giới biết đến Nhật Bản qua rất nhiều những điều đặc sắc phong phú, tuy nhiên, có những thứ đã trở nên nối tiếng hơn hết thảy và đã trở thành những biểu tượng của Nhật Bản. Trong bài viết này, hãy cùng Hanoilink tìm hiểu về những biểu tượng nối tiếng nhất về đất nước Nhật Bản nhé!

Núi Phú Sĩ

Nếu nói về danh lam thắng cảnh của Nhật Bản thì không thể không nói tới núi Phú Sĩ đầu tiên được. Đây là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản, với độ cao 3776 mét so với mực nước biển, và là một trong 3 ngọn núi thiêng của Nhật Bản. Do có độ cao lớn nên một nửa của ngọn núi nằm ở phía trên cao, nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với ở gần mặt đắt, do đó ngọn núi mang một hình ảnh quen thuộc là một nửa ngọn núi có màu trắng tinh của tuyết. Tại đây tuyết bao phủ đỉnh núi 5 tháng mỗi năm.

Núi Phú Sĩ là một nguồn cảm hứng bất tận cho những người nghệ sĩ của Nhật Bản. Ngọn núi này cũng được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới nhờ vào sự truyền cảm hứng của nó cho các sáng tác nghệ thuật của Nhật Bản.

Hoa anh đào

Tuy không được chính thức công nhận là quốc hoa, nhưng do được người Nhật Bản yêu thích và được trồng ở khắp nơi nên hoa anh đào cũng được mọi người ngầm công nhận là quốc hoa của Nhật Bản. Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, từ bờ sông đến công viên, đến các căn biệt thự,…

Hoa anh đào thường nở vào vào xuân, tuy nhiên, tuỳ vào vị trí địa lý mà có thể nở sớm hơn hay muộn hơn ở những nơi khác nhau. Ở miền Nam Nhật Bản, nơi có khí hậu ấm áp hơn, thì hoa có thể bắt đầu nở từ cuối tháng 1, trong khi vùng Hokkaido phía bắc của Nhật Bản, với thời tiết lạnh lẽo hơn, hoa anh đào có thể nở vào tháng 5.

Tuy có thể ngắm hoa anh đào hàng tháng trời dọc hành trình từ miền nam và đến miền bắc nước Nhật, nhưng ở đâu đi chăng nữa, thời gian hoa nở cũng là rất ngắn, được coi là loại hoa “thoắt nở thoắt tàn”. Hoa chỉ nở rộ khoảng một tuần lễ, sau đó thì hoa sẽ bắt đầu tàn dần.

Kimono

Việt Nam có áo dài thì Nhật Bản có quốc phục là áo Kimono. Ngày trước, từ “kimono” trong tiếng Nhật chỉ có nghĩa là quần áo nói chung, tuy nhiên theo lịch sử phát triển của Nhật, ngày nay, khi nói đến kimono mọi người sẽ nghĩ đến chiếc kimono như bây giờ.

Kimono thường được cấu tạo từ 4 mảnh chính. 2 mảnh tạo thành thân áo và 2 mảnh để may 2 tay. Ngoài ra Kimono còn có các miếng vải nhỏ khác để may cổ áo và các miếng lót ở bên trong.

Có 2 cách thức để tạo họa tiết cũng như hoa văn cho Kimono.

Cách thứ nhất là may Kimono từ loại vải Tsumugi. Đây là loại vải được dệt từ những sợi nhuộm khác nhau. Khi may áo từ loại vải này thì khi xong Kimono sẽ có luôn cả màu nền cũng như cả họa tiết hoa văn.

Cách thứ hai là may Kimono từ loại vải trắng. Sau đó họ mới đem chiếc Kimono đi nhuộm màu và vẽ, cũng như thêu họa tiết lên trên.

Cách thức mặc Kimono khá phức tạp và có những quy tắc mặc riêng. Nhưng về cơ bản nhất, Kimono phải được quấn từ bên phải vào trước rồi mới đến bên trái. Người Nhật chỉ quấn theo chiều ngược lại khi đi dự tang lễ mà thôi.

Sushi

Sushi là món cơm trộn giấm được kết hợp với các nguyên liệu khác. Có rất nhiều những loại sushi cũng như là nhiều cách trình bày khác nhau, tuy nhiên mọi loại sushi đều có nguyên liệu bắt buộc đó chính là giấm. Ngoài ra, loại nhân được dùng phổ biến nhất đó chính là hải sản.

Từ xa xưa, người Nhật Bản đã biết ủ các loại thịt cá, tôm, hải sản vào cơm nắm để giữ được hương vị tươi ngon. Người Nhật thường trộn thêm vào cơm một ít giấm để cho hương vị trở nên chua chua ngọt ngọt.

Sushi thường được cuộn thành hình cuộn tròn. Lớp vỏ ngoài bọc cơm thường được dùng đó là rong biển. Ngoài ra, bên trong cuộn cơm còn được bổ xung các loại rau như tảo biển, rau củ quả,… để tăng thêm vị ngon cho sushi.

Loại giấm để chế biến món sushi không phải là loại giấm thông thường trong các bữa ăn hàng ngày. Đây là loại giấm có muối, có đường, và có thêm cả một loại rượu ngọt đặc biệt của Nhật Bản. Cơm dùng để làm sushi sẽ không được nấu chín hoàn toàn như thông thường mà chỉ đang chín tới, sau đó người đầu bếp sẽ trộn cơm đó với giấm. Họ còn dùng quạt nan để quạt cho hơi nóng bay bớt ra, và hương giấm ngấm vào cơm hơn.

Nguyên liệu để làm nhân sushi có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu vẫn là hải sản. Có thể kể đến đó là cá ngừ, cá hồi, cá chình, cá nóc, cá thu, tôm, mực, bạch tuộc, các loại ốc, cua biển.

Cá chép Koi

Trong truyền thống Nhật Bản, biểu tượng cá chép Koi, được xem là biểu tượng của sự bản lĩnh, tính kiên định và hoài bão của người đàn ông. Hình ảnh này thường được treo vào ngày lễ Koinobori mùng 5 tháng 5 dành cho các bé trai với mong muốn các bé trai trưởng thành khỏe mạnh và sự nghiệp trương lai sẽ thành danh như cá chép hóa rồng.

Tổng kết

Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu qua về những biểu tượng được coi là nối tiếng Nhật của Nhật Bản. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé.

Facebook Comments Box
0971858022